Dưới ánh sáng Lời Chúa | Chúa Nhật XXXII TN, Năm A: Người Trinh Nữ trong Kinh Thánh

Bài 39: 

NGƯỜI TRINH NỮ TRONG KINH THÁNH

Trong bài giảng về cánh chung theo Tin Mừng Mátthêu, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Nước Trời sẽ giống như chuyện mười trinh nữ cầm đèn ra đón chú rể” (Mt 25, 1).

Theo ngữ cảnh của dụ ngôn, mười trinh nữ này là những phù dâu mà theo tập tục Dothái, họ là những thiếu nữ trinh trắng và chưa hề kết hôn.

Trong bài học hỏi này, chúng ta thử tìm xem Kinh Thánh quan niệm thế nào về việc đồng trinh và về người trinh nữ.

Thông thường, trinh nữ được hiểu là người con gái chưa kết hôn, chưa có tương quan vợ chồng với ai và thường thì vẫn còn dưới quyền bảo hộ của người cha trong gia đình.

1. Theo Cựu Ước

Cựu Ước dùng hai từ Hípri là bơthulah  (בְּתוּלָה) và almah (עַלְמָה) để chỉ một cô bé, một thiếu nữ, và thường hiểu là còn trong trắng, tức là trinh nữ.

a. Bơthulah là một từ rất chung để chỉ bất cứ người nữ nào từ khi sinh ra cho đến tuổi thành niên. Từ này thường được dịch là “trinh nữ”, cũng được dịch là “thiếu nữ”, với hàm ý rằng đó là cô gái còn trong trắng về mặt giới tính và chưa kết hôn.

Bơthulah cũng để chỉ một cô gái trẻ ở độ tuổi có thể kết hôn, đang độ thanh xuân, triển nở về sức mạnh, vóc dáng và nhan sắc. Nói theo thời nay, Bơthulah là cô gái tuổi “teen”.

Trong sách ngôn sứ Êdêkien, Ítraen được ví như một đứa trẻ bị bỏ rơi nhưng được Chúa thương cứu vớt và nuôi nấng để rồi trở nên một thiếu nữ xinh đẹp : “Ta làm cho ngươi nảy nở như hoa ngoài đồng. Ngươi đã nảy nở, lớn lên và thành  thiếu nữ” (Ed 16, 7).

b. Almah chỉ được dùng 7 lần trong Kinh Thánh (St 24, 43; Xh 2, 8; Tv 68, 25; Cn 30, 19; Dc 1, 3; 6, 8; Is 7, 14) để chỉ một cô gái đang tuổi thiếu niên hay vị thành niên và có thể kết hôn, nhưng thường hiểu là một bé gái hơn là cô gái với hàm ý là còn đồng trinh.

Xh 2, 8: “Công chúa của Pharaô trả lời (chị của cậu bé Môsê): ‘Con đi đi’. Cô bé liền đi gọi mẹ đứa trẻ”. Almah ở đây hiểu là một bé gái hơn là một thiếu nữ.

St 24, 43 dùng từ almah để chỉ một thiếu nữ đến tuổi thành hôn mà sau đó chính là cô Rêbêca, người được hỏi cưới cho Ixaác. Trường hợp almah ở Is 7, 14 đã gây tranh luận về ý nghĩa của danh từ này là “thiếu nữ” hay “trinh nữ”, vì bản văn Hylạp đã phiên dịch almah thành pácthênos (παρθένος) nghĩa là trinh nữ. Sau này tác giả Tin Mừng Mátthêu cũng trưng dẫn Is 7, 14 theo bản Hylạp (x.Mt 1, 23).

c. Luật Môsê và sự trinh khiết

Luật đòi hỏi dân Ítraen phải tôn trọng trinh hạnh của một cô gái, nhất là đối với cô dâu.

Sách Lêvi quy định rằng vị thượng tế “chỉ được lấy một trinh nữ trong gia tộc mình làm vợ” (Lv 21, 14)

Đnl 22, 13-21 nói đến “các dấu trinh tiết” khi một người vợ bị chồng cáo buộc là đã mất trinh hạnh trước khi cưới, thì cha mẹ vợ phải trưng ra bằng chứng trinh tiết để bảo vệ con mình. Nếu lời cáo buộc là vu khống thì người chồng bị đánh đòn và nộp phạt, bị cấm ly dị vợ mình. Nhưng nếu không có “các dấu trinh tiết”, thì người vợ sẽ bị ném đá.

Đnl 22, 23-24 quy định rằng một trinh nữ đã đính hôn mà ăn ở như vợ chồng với người đàn ông khác thì cả hai sẽ bị ném đá.

2. Theo Tân Ước

Tân Ước dùng từ pá-thênos (παρθένος) để chỉ “một cô gái đến tuổi kết hôn”. Nhưng về sau, pácthênos được dùng để nói đến một cô gái còn trinh khiết, nghĩa là “trinh nữ” hay “đồng trinh”.

Mt 1, 18.25 và Lc 1, 27-28 xác nhận sự trinh khiết của Đức Maria lúc được truyền tin và thụ thai: “Thiên Chúa sai sứ thần Gáprien đến một thành miền Galilê, gọi là Nadarét, gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giuse, thuộc dòng dõi vua Đavít. Trinh nữ ấy tên là Maria” (Lc 1, 26b-27).

Thời các Tông Đồ đã có các trinh nữ Kitô giáo được Chúa mời gọi để tâm hồn, thể xác và tinh thần được tự do hơn mà gắn bó hoàn toàn với Người (x.1Cr 7, 34-36). Họ quyết định sống trong bậc đồng trinh hoặc khiết tịnh vĩnh viễn “vì Nước Trời” (Mt 19, 12).

Ở 2Cr 11, 2 thánh Phaolô nói mình đã tiến dâng Hội Thánh như một trinh nữ thanh khiết cho Đức Kitô.

Trinh khiết là một lý tưởng sống khổ hạnh trong Tân Ước. Không có nhiều lời khuyên rõ ràng về lý tưởng này. Truyền thống Kitô giáo hoàn toàn dựa vào chính cuộc đời của Đức Giêsu và cuộc sinh hạ trinh khiết của Người. Truyền thống cũng coi thánh Gioan tông đồ là gương mẫu cho những ai bước theo Đức Giêsu trinh khiết. Đức Giêsu đưa ra giáo huấn về đời sống trinh khiết ở Mt 19, 11-12: “Không phải ai cũng hiểu được […], nhưng chỉ những ai được Thiên Chúa cho hiểu mới hiểu. Quả vậy, có những người không kết hôn vì từ khi lọt lòng mẹ, họ đã không có khả năng; […]; lại có những người tự ý không kết hôn vì Nước Trời. Ai hiểu được thì hiểu”.

Đức Giêsu đề cập đến việc tự nguyện sống độc thân trọn vẹn, suốt đời như một bậc sống đặc biệt để phục vụ Nước Trời. Người còn cho hiểu rằng: lý tưởng độc thân này được đưa ra như lời mời gọi dành cho một số người, ai được Thiên Chúa cho hiểu thì mới hiểu; cho nên đây là chuyện hoàn toàn tự do tự nguyện, không phải ai cũng hiểu được và ai hiểu được thì hiểu.

Thánh Phao-lô viết cho các tín hữu Côrintô rằng: “Người đàn bà không có chồng và người trinh nữ thì chuyên lo việc Chúađể thuộc trọn về Người cả hồn lẫn xác” (1Cr 7, 34). Liệu đây có phải là lời mở đường cho các trinh nữ sẽ sống đời thánh hiến sau này không ? Thật ra, với bối cảnh của thế kỷ I, bản văn 1Cr 7, 29-38 mang sắc thái cánh chung, hướng các Kitô hữu đến biến cố quang lâm mà sống tinh thần thanh thoát, như thánh Phaolô đã viết: “Thưa anh em, tôi xin nói với anh em điều này: thời gian chẳng còn bao lâu. Vậy từ nay những người có vợ hãy sống như không có; ai khóc lóc, hãy làm như không khóc; ai vui mừng, như chẳng mừng vui; ai mua sắm, hãy làm như không có gì cả; kẻ hưởng dùng của cải đời này, hãy làm như chẳng hưởng. Vì bộ mặt thế gian này đang biến đi” (1Cr 7, 29-31).

Trước đó, vào cuối thế kỷ II tCN, trong cộng đoàn Qumran, gần Biển Chết, đã có các nhóm trinh nữ sống trong niềm trông đợi Chúa đến.

3. Những trinh nữ tiêu biểu trong Kinh Thánh

a. Con gái thủ lãnh Gíptắc (x.Tl 11, 29-40)

Trước khi đi giao chiến với con cái Ammon, ông Gíptắc đã khấn hứa với Chúa: Nếu Chúa cho ông thắng trận, thì khi trở về, người đầu tiên đón mừng ông, ông sẽ sát tế kính Đức Chúa. Chẳng may, chính con gái độc nhất của ông rơi vào lời khấn hứa ấy. Cô con gái xin ông hoãn lại hai tháng cho cô đi lang thang với các bạn bè, khóc thương tuổi thanh xuân của cô. Cô thương tiếc cái chết đến quá sớm trước khi cô đạt được trọn vẹn vai trò của người phụ nữ trong hôn nhân.

b. Hoàng hậu Étte, nữ anh hùng dân Dothái

Sách Étte kể: Sau khi hoàng hậu Vátti bị vua Asurô nước Batư truất phế, các cận thần đề nghị tuyển chọn “các trinh nữ nhan sắc” (x.Et 2, 2), huấn luyện và chăm sóc sắc đẹp cho các cô, để nhà vua đích thân tuyển chọn một cô làm hoàng hậu. Và vua đã tuyển chọn cô Étte, người Dothái ở thành Susan làm hoàng hậu (x.Et 2, 17). Hoàng hậu Étte đã cứu dân tộc Dothái khỏi nạn diệt chủng vì lòng thù ghét người Dothái của quan Haman.

c. Được nhân cách hoá là “trinh nữ”

Ngôn sứ Isaia đã kết án Xankhêríp, vua Átsua, vì tội thoá mạ Thiên Chúa và Giêrusalem rằng: “Trinh nữ, con gái Xion khinh dể nhạo báng ngươi” (Is 37, 22 // 2V 19, 21); Isaia cũng nguyền rủa Babylon rằng: “Hỡi trinh nữ, con gái Babylon, xuống đi, ngồi trên cát bụi; […] vì người ta sẽ không bao giờ gọi ngươi là cô gái yêu kiều đài các nữa” (Is 47, 1).

Giêrêmia cũng kết tội dân Aicập: “Hãy lên Galaát lấy dầu thoa, hỡi trinh nữ, con gái Aicập” (Gr 46,11).

Đặc biệt, các ngôn sứ đã gọi:

Giêrusalem là trinh nữ: “Hỡi thiếu nữ Giêrusalem, ví ngươi cùng ai, sánh ngươi với ai? Này trinh nữ, cô gái Xion, ai cứu được ngươi, ai ủi an ngươi?” (Ac 2, 13).

Ítraen là trinh nữ: “ĐỨC CHÚA phán thế này : Hãy hỏi các dân tộc cho biết: Ai đã nghe câu chuyện như thế này chưa? Trinh nữ Ítraen đã làm điều rất kinh tởm” (Gr 18, 13).

Dân Ítraen là trinh nữ : Giêrêmia đã than khóc rằng: “Mắt tôi hãy tuôn trào suối lệ cả ngày đêm không ngớt, vì trinh nữ cô gái dân tôi đã bị đánh nhừ đòn, vết trọng thương hết đường cứu chữa” (Gr 14, 17).

d. Đức Trinh Nữ Maria

Mt 1, 18-25 và Lc 1, 26-38 cho biết Đức Maria là trinh nữ thụ thai do quyền năng Chúa Thánh Thần (Mt 1, 20; Lc 1, 35). Hơn nữa, Lc 1, 27 nhấn mạnh hai lần từ “trinh nữ”. Điều này quan trọng, vì tác giả Luca có thể sử dụng một từ Hy-lạp quen thuộc koraxion (κοράσιον) để chỉ một cô gái nhỏ, một thiếu nữ chưa kết hôn nhưng ông lại dùng hạn từ “trinh nữ” - pácthênos (παρθένος) - để nói về Đức Maria.

Cầu nguyện:

CHÚA làm chủ trái đất cùng muôn vật muôn loài,

làm chủ hoàn cầu với toàn thể dân cư.

Nền trái đất, Người dựng trên biển cả,

đặt vững vàng trên làn nước mênh mông.

Ai được lên núi CHÚA?

Ai được ở trong đền thánh của Người?

Đó là kẻ tay sạch lòng thanh,

chẳng mê theo ngẫu tượng,

không thề gian thề dối.

Người ấy sẽ được CHÚA ban phúc lành,

được Thiên Chúa cứu độ thưởng công xứng đáng.

Đây chính là dòng dõi những kẻ kiếm tìm Người,

tìm thánh nhan Thiên Chúa nhà Giacóp.

(Tv 24, 1-6).

Nguồn: tgpsaigon.net

 

bài liên quan mới nhất

Thứ Ba tuần V Phục Sinh: "Thầy ban bình an của Thầy cho các con"

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng